BẤT CẬP TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH
Trước đây, những người làm các công việc: nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, … trong các gia đình thường được gọi là con sen, con ở, ô sin,...
Trước đây, những người làm các công việc: nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, … trong các gia đình thường được gọi là con sen, con ở, ô sin, … và có địa vị thấp. Ngày nay, sự tiến bộ của xã hội đã xóa bỏ những quan niệm lạc hậu đó, công nhận đây là một nghề với tên gọi: giúp việc gia đình (GVGĐ) và bình đẳng với nghề khác. Pháp luật nước ta đã có những quy định dành riêng cho người lao động GVGĐ trong Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) có hiệu lực từ 1-1-2021 và Nghị định 145/2020 có hiệu lực từ 1-2-2021. Trong đó, có quy định liên quan đến việc lý kết hợp đồng lao động (HĐLĐ): “Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình” (khoản 1, điều 162 BLLĐ 2019).
HĐLĐ là “sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.” (theo khoản 1, điều 13, BLLĐ 2019). Trong HĐLĐ, hai bên “… phải cung cấp thông tin trung thực”, nêu rõ được các thông tin “công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, …” (theo điều 16 của BLLĐ 2019). Có thể thấy, HĐLĐ giúp bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc trong gia đình và là căn cứ để giải quyết các vấn đề gặp phải trong thời gian làm việc, như: hỏng đồ đạc, mất đồ, … Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định: Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi không giao kết HĐLĐ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (theo khoản 1, điều 8, Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ).
Mặc dù đã có các quy định về ký HĐLĐ trước khi NGV vào làm việc nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện. Nhiều lao động GVGĐ làm việc không ký hợp đồng với gia chủ khi đi làm mà chỉ thỏa thuận bằng miệng. Bởi vì, nhiều lao động GVGĐ còn xem nhẹ việc việc ký kết HĐLĐ “… Tôi vào nhà này làm việc không ký hợp đồng nhưng cũng không có vấn đề gì xảy ra, đầu tiên gặp nhà chủ thì sẽ trao đổi mức lương, các công việc cần làm, … mình đồng ý thì mình làm, không thì thôi nên tôi cũng không thấy cần phải ký hợp đồng…” (phỏng vấn sâu lao động GVGĐ phường Thượng Đình, phường Đồng Tâm, Hà Nội).[1] Đặc biệt là với những NGV đến từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, thiếu kiến thức pháp luật. Nguyên nhân nữa là phía chủ nhà, nhiều gia đình có thể lách luật dễ dàng bằng cách chỉ cần giới thiệu người giúp việc gia đình là người thân, họ hàng trong gia đình đến giúp trông nhà, giúp chăm con, … Các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp thực hiện hiệu quả các quy định này.
Do đó, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người GVGĐ và chủ gia đình thuê giúp việc về tầm quan trọng của ký kết HĐLĐ; có sự kết hợp giám sát chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và xử lý nghiêm các trường hợp không ký HĐLĐ. Cùng với đó, các gia đình cần hiểu rõ quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của mình khi thuê GVGĐ và tuân thủ giao kết HĐLĐ theo quy định của pháp luật. Bản thân NGV phải hiểu rõ tầm quan trọng của ký HĐLĐ để bảo vệ quyền lợi của chính mình./.
[1] Theo “Báo cáo kết quả nghiên cứu: Nhận thức và mong muốn của xã hội về kỹ năng mềm của Lao động giúp việc gia đình” (5/2019) được thực hiện bởi Nguyễn Thị Hiển, Trần Thị Hồng, Nguyễn Thị Huệ, Hoàng Thu Hằng.