BẤT CẬP TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH
Trước đây, những người làm các công việc: nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, … trong các gia đình thường được gọi là con sen, con ở, ô sin,...
Từ Bộ Luật lao động 2012 ( đã hết hiệu lực kể từ 01/1/2021) đã có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận.
Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. Đến Bộ Luật lao động 2019 tiếp tục kế thừa quy định này.
Đây là quy định cần thiết để 2 bên người sử dụng lao động – người giúp việc có thỏa thuận về những việc phải làm, quyền lợi được hưởng khi xảy ra tranh chấp. Trước đây, người sử dụng lao động thường không mua bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người giúp việc. Tuy nhiên, hiện nay BLLĐ 2019 quy định chỉ có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Như vậy, khi ký hợp đồng lao động chủ nhà phải mua bảo hiểm và đảm bảo các quyền lợi cho người giúp việc. Song hiện nay việc đưa quy định này vào đời sống vẫn còn chưa khả thi.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5, nghị định 88/2015, với mức phạt từ 1 triệu đến 20 triệu đồng.
Để phát hiện chủ nhà vi phạm về ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc là rất khó. Chủ nhà thường giới thiệu người giúp việc là “bà con họ hàng”, “người nhà dưới quê lên trông cháu giùm” hoặc giữa họ cũng có mối quan hệ bà con thật.
Hơn nữa, trong quan hệ lao động thì người lao động thường là bên yếu thế hơn. Nếu người giúp việc bằng lòng với thỏa thuận với chủ nhà, thậm chí chính người giúp việc cũng không muốn ký hợp đồng lao động nên không có ý kiến, không thông báo với cơ quan có thẩm quyền thì càng khó phát hiện vi phạm.
Bộ luật lao động 2019 và các văn bản liên quan đã quy định rất rõ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nói chung và người lao động là giúp việc nói riêng. Nhưng để thực thi quy định này người giúp việc cần phải chủ động đề xuất chủ nhà ký hợp đồng lao động cho mình.
Trường hợp người giúp việc tìm việc qua các kênh môi giới việc làm hoặc công ty cho thuê lại lao động thì bên môi giới, cho thuê lại lao động có trách nhiệm đảm bảo các bên thực hiện theo quy định, người lao động giúp việc nhà có thể được ký hợp đồng theo bộ luật lao động;
Theo các bạn, người giúp việc cần có những kỹ năng gì để có thể ký hợp đồng lao động ?