BẤT CẬP TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH
Trước đây, những người làm các công việc: nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, … trong các gia đình thường được gọi là con sen, con ở, ô sin,...
Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định đối với lao động giúp việc gia đình tại mục 5, chương XI từ điều 161 đến điều 165. Lao động giúp việc gia đình đang trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt là tại các thành phố. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động giúp việc gia đình nên Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 145) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động của Bộ luật lao động 2019 vào ngày 14 tháng 12 năm 2020.
Trong đó, tại Nghị định này có quy định riêng đối với người lao động giúp việc gia đình tại chương X (từ điều 88 đến điều 91) với các điểm nổi bật như sau:
Đầu tiên, theo Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019 về Lao động quy định người giúp việc gia đình là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động, làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Thứ hai, đối với hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1, điều 89 Nghị định 154: trong đó, tại điểm d quy định Đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng mà không phải báo trước: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Thứ ba, mức lương của lao động giúp việc gia đình không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hàng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động.
Thứ tư, về ngày nghỉ được quy định tại khoản 3, điều 89 Nghị định 145. Phải đảm bảo cho lao động là giúp việc gia đình được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Thứ năm, lao động là người giúp việc gia đình được trả một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế. Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động (quy định cụ thể tại khoản 4, điều 89, Nghi định 145).
Thứ sáu, hướng dẫn thực hiện vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động tại khoản 5, điều 89 Nghị định 145.
Cuối cùng là hướng dẫn thực hiện kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với người lao động giúp việc gia đình tại khoản 6, điều 89, Nghị định 145.
Khi Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021) sẽ đảm bảo cho người lao động giúp việc gia đình được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích một cách bình đẳng, công bằng so với các lao động trong lĩnh vực khác và việc thực hiện các quy định trong Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình sẽ phát huy hiệu quả hơn./.
Toàn văn Nghị định 145 http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=201967